Google Project Blok: Nền Tảng Giúp Trẻ Em Xếp Hình Để Lập Trình

Khi nói tới lập trình người ta sẽ nghĩ tới những dòng mã lệnh phức tạp trên máy tính, nhưng trẻ con không tiếp nhận thông tin theo kiểu này một cách dễ dàng. Thay vào đó, trẻ học cái mới bằng những thứ có thể sờ, có thể chạm và có thể chơi được. Dựa vào đây, Google đã phát triển Project Blok, một nền tảng lập trình giúp trẻ ra lệnh cho một thứ gì đó theo ý muốn chỉ bằng cách ghép các khối lại với nhau. Ví dụ, bạn có khối công tắc, khối cần xoay để chỉnh độ lớn của dòng điện, hay khối mũi tên để diễn tả hướng đi. Các khối này sau khi được lắp ghép hoàn chỉnh sẽ trở thành "chương trình" và truyền đến một phần cứng khác thực thi (ví dụ: truyền chương trình tự sáng đến bóng đèn thông minh, truyền chương trình chạy theo hình vuông sang robot, truyền chương trình phát nhạc ra loa,...).



Project Blok là cả một nền tảng, không chỉ là một sản phẩm đơn thuần. Dựa trên nền tảng này, Google muốn các nhà phát triển có thể tạo ra các khối và các phần cứng tương thích với Project Blok theo cách đa dạng nhất có thể nhằm giúp trẻ em làm quen với tư duy logic và tư duy lập trình ngay từ tuổi nhỏ.

Hiện tại, một bộ Blok sẽ bao gồm 3 thành phần chính:
* Puck: là những cái công tác, nút bấm, nút xoay vặn, nút chỉnh hướng đi, nút chơi nhạc... Puck có thể có nhiều hình dáng, màu sắc và cách tương tác khác nhau.
* Base board: là bo mạch nhận thông tin từ Puck. Puck sẽ được đặt lên trên board, cả hai sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng thông qua một cảm biến điện dung. Các base board có thể ghép nhau thành chuỗi.
* Brain board: là bo mạch chủ cung cấp điện và kết nối. Khi gắn nhiều base board vào brain, nó sẽ đọc chương trình cấu thành từ các base board và gửi chương trình đó đến một thiết bị bên ngoài bằng kết nối Wi-Fi hoặc Bluetooth. Brain board sử dụng máy tính Raspberry Pi Zero bên trong.

[Theo: Tinh Tế/Project Blok​]
Hung Nguyen

Tôi là 1 amateur blogger. Tôi lập blog này để viết mọi thứ về Google. facebook

Post a Comment

Previous Post Next Post