YouTube được phép xóa thông tin cá nhân


YouTube sẽ được phép loại bỏ phần nội dung chứa danh tính và địa chỉ IP của người dùng trong cơ sở dữ liệu nhật ký sử dụng dịch vụ chia sẻ video trực tuyến trước khi cung cấp cho tòa án và Viacom.

Phản ứng gay gắt

Bất chấp những lời cảnh báo và lo ngại về vấn đề bảo vệ tính riêng tư người dùng, ngày 3/7, tòa án liên bang Mỹ đã ra yêu cầu buộc YouTube phải cung cấp cho Viacom toàn bộ cơ sở dữ liệu nhật ký có dung lượng lên tới 12-terabyte (tương đương 12.288 GB dữ liệu) chứa thông tin cá nhân như tên đăng nhập, địa chỉ IP, thói quen truy cập ... của người dùng.

Yêu cầu trên đây là một phần trong vụ kiện YouTube vi phạm bản quyền của Viacom. Theo đó, hãng truyền thông hàng đầu nước Mỹ này đòi YouTube phải trả một khoản tiền bồi thường lên tới 1 tỉ USD.

Viacom tuyên bố hãng cần có những dữ liệu trên đây để so sánh mức độ hấp dẫn của những video bị xem là vi phạm bản quyền với những video thông thường khác xuất hiện trên YouTube.

Quyết định trên đây đã phải đối mặt với sự phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng Internet, trong đó hầu hết đều là lo ngại về vấn đề bảo vệ tính riêng tư của người dùng.

Nhiều quan điểm cho rằng với tên đăng nhập và địa chỉ IP có sẵn trong cơ sở dữ liệu được cung cấp, Viacom hoàn toàn có đủ khả năng xác định rõ một người dùng YouTube nào đó. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng YouTube hoàn toàn có khả năng phải đối diện với nguy cơ có thể bị Viacom kiện vì sử dụng nội dung thuộc sở hữu bản quyền của hãng.

Công tố viên Kurt Opsahl tuyên bố yêu cầu trên đây của tòa án là "một bước lùi" trong chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người dân và bỏ qua những quy định trong Luật bảo vệ tính riêng tư nội dung video (VPPA).

Thẩm phán Louis L. Stanton của Tòa án quận Đông New York - người đã ra yêu cầu buộc YouTube cung cấp cơ sở dữ liệu nhật ký - khẳng định mọi lo ngại về vấn đề bảo vệ tính riêng đều chỉ mang "tính chất suy đoán".

Nhượng bộ

Đối mặt với sự phản ứng gay gắt từ nhiều phía, cuối cùng Viacom và một số nhà sản xuất nội dung khác cũng đã phải nhượng bộ.

Ngày 14/7, các bên trong vụ kiện đã thống nhất ký vào một thỏa thuận cho phép YouTube được thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ người dùng. Cụ thể, YouTube sẽ được phép loại bỏ phần tên đăng nhập và địa chỉ IP của người dùng trong cơ sở dữ liệu nhật ký cung cấp cho bên nguyên đơn trong vụ kiện.

"Chúng tôi cam kết bảo vệ tính riêng tư của người dùng và sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi của người dùng cũng như những gì mà các bạn đã đóng góp cho mạng chia sẻ video trực tuyến YouTube."

Đó là những gì được đăng tải trong một bài viết trên trang blog chính thức của YouTube trong ngày 14/7 vào thời điểm ngay sau khi bản thỏa thuận giữa hãng và bên nguyên đơn được chính thức tiết lộ.

YouTube có một tuần lễ đề đưa ra các biện pháp thực hiện thỏa thuận trên đây.

Một nội dung khác trong bản thỏa thuận nói trên đáng được nêu ra ở đây là việc mặc dù YouTube được phép giấu hết những thông tin liên quan đến cá nhân người dùng như phần nội dung còn lại vẫn phải cho phép Viacom được phép phân tích và nhận diện được đối tượng cá nhân đã xem những video mà họ cáo buộc là vi phạm bản quyền.

Bà Wendy Seltzer - giảng viên tại trường ĐH Harvard - cho rằng dù sao thì việc không phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân đã là một điều tốt hơn rất nhiều. "Tôi không cho rằng thỏa thuận lần này sẽ giúp giải quyết triệt để tất cả những lo ngại về vấn đề bảo vệ tính riêng tư".

Cụ thể, bà Seltzer cho rằng dựa vào những thông tin còn lại bên nguyên đơn hoàn toàn có thể phân tích và nhận diện được thói quen của người dùng. Tốt nhất là YouTube nên cân nhắc đến việc ngừng lưu trữ thông tin cá nhân người dùng.

Mặc dù thông tin được YouTube lưu trữ lại không được công bố rộng rãi nhưng nó đôi khi vẫn bị buộc phải tiết lộ cho tòa án. Đó là một điều không nên cho dù Viacom đã cam kết không sử dụng thông tin đó để làm bằng chứng kiện người dùng YouTube.

Lịch sử vụ kiện

Đầu năm ngoái Viacom chính thức đệ đơn khởi kiện YouTube, cáo buộc hãng này đã tạo điều kiện cho phép người dùng phát tán các nội dung có bản quyền của hãng này đồng thời buộc YouTube phải đền bù một khoản tiền lên tới 1 tỉ USD.

Trên thực tế vụ kiện của Viacom là một vụ kiện được tổng hợp các vụ kiện tương tự khác mà YouTube đang phải đối mặt như vụ kiện với Giải ngoại hạng Anh cũng như với một số nhà cung cấp nội dung khác.

Cho đến nay vụ kiện vẫn chưa đi được đến đâu. YouTube một mực vẫn lên tiếng khẳng định họ không hề vi phạm bản quyền. Bất kỳ khi nào nhận được thông báo nội dung vi phạm bản quyền từ các nhà sản xuất YouTube đều nhanh chóng cho gỡ bỏ đồng thời còn bổ sung thêm công cụ lọc nội dung nhằm ngăn chặn tình trạng người dùng tải lên các nội dung như thế.


(VnMedia, AP, Reuters, Computerworld)


Hung Nguyen

Tôi là 1 amateur blogger. Tôi lập blog này để viết mọi thứ về Google. facebook

Post a Comment

Previous Post Next Post